Contents
Định nghĩa và khái niệm về STEM
ĐỊnh nghĩa về STEM
STEM là viết tắt của: SCIENCE – Khoa học ; TECHNOLOGY – Công nghệ; ENGINEERING-Kỹ thuật; MATH – Toán học. Dạy học theo phương pháp STEM là phương thức giáo dục tích hợp theo cách tiếp cận liên môn, thông qua thực hành, ứng dụng. Thay vì dạy bốn môn học như các đối tượng tách biệt và rời rạc, STEM kết hợp chúng thành một mô hình học tập gắn kết dựa trên các ứng dụng thực tế. Qua đó, học sinh vừa học được kiến thức khoa học, vừa học được cách vận dụng kiến thức đó vào thực tiễn. Giảng dạy theo STEM đề cao đến việc hình thành và phát triển năng lực giải quyết vấn đề cho người học.
Lợi ích mang lại của giáo dục STEM
- Trong mỗi bài học theo chủ đề STEM, học sinh được đặt trước một tình huống có vấn đề thực tiễn cần giải quyết liên quan đến các kiến thức khoa học. Để giải quyết vấn đề đó, học sinh phải tìm tòi, nghiên cứu những kiến thức thuộc các môn học có liên quan đến vấn đề (qua sách giáo khoa, học liệu, thiết bị thí nghiệm, thiết bị công nghệ) và sử dụng chúng để giải quyết vấn đề đặt ra.
- STEM đề cao một phong cách học tập mới cho người học, đó là phong cách học tập sáng tạo. Đặt người học vào vai trò của một nhà phát minh, người học sẽ phải hiểu thực chất của các kiến thức được trang bị; phải biết cách mở rộng kiến thức; phải biết cách sửa chữa, chế biến lại chúng cho phù hợp với tình huống có vấn đề mà người học đang phải giải quyết.
- Có nhiều các chủ đề STEM như: Thế giới động/thực vật (mần non); Phương tiện giao thông (Mầm non); Khoa học (Mầm non); Mạch Thủ công kỹ thuật (Tiểu học); Mạch Thiết kế kỹ thuật (THCS); Mô đun tự chọn (lớp 9); Mạch Thiết kế và công nghệ (THPT); Cụm chuyên đề học tập tích hợp (HPT).
Tính cấp thiết và pháp lý trong việc áp dụng STEM tại Việt Nam
Theo các nghị quyết chính phủ:
– Nghị quyết số 29-NQ/TW (Hội nghi TW 8 khóa XI) “về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa, hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế”
– Nghị quyết số 88/2014/QH13 ngày 28/11/2014 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông; Quyết định số 404/QĐ-TTg ngày 27/3/2015 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.
Các văn bản pháp lý khác:
– Chỉ thị số 16/ CT-TTg ngày 4/5/2017 của Thủ tướng chính phủ về việc tăng cường tiếp cận cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4: Thay đổi mạnh mẽ các chính sách, nội dung, phương pháp giáo dục và dạy nghề nhằm tạo ra nguồn nhân lực có khả năng tiếp nhận các xu thế công nghệ sản xuất mới, trong đó cần tập trung vào thúc đẩy đào tạo về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM), ngoại ngữ, tin học trong chương trìnhgiáo dục phổ thông.
– Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, đẩy mạnh ứng dụng STEM vào giáo dục.
– Công văn số 3089/BGDĐT-GDTrH ngày 14/8/2020 về việc triển khai thực hiện dạy học theo phương pháp STEM trong giáo dục trung học.
Dạy và học STEM thế nào cho đúng
Quy chuẩn trong dạy và học:
– Việc dạy và học STEM phải theo quy chuẩn được đặt ra phù hợp và thống nhất một cách đồng bộ giữa các cấp và trong toàn bộ hệ thống giáo dục. Mỗi giáo viên dạy STEM phải được đào tạo một cách bài bản và được cấp chứng chỉ mới được dạy. Các mô hình và thiết bị trong giáo dục STEM phải được kiểm chuẩn và cấp phép một cách chặt chẽ. Tránh trường hợp nhập tràn lan hàng hóa kém chất lượng và sai quy cách.
– Các giáo trình, giáo án đã được nghiên cứu và chỉnh sửa cho phù hợp với hệ thống giáo dục của Việt Nam. Ngoài ra phải được thực nghiệm và chứng minh hiệu quả cũng như sự phù hợp trong một thời gian dài. Tuỳ theo quy mô của chủ đề mà có thể được thiết kế để dạy trong một tiết hoặc nhiều tiết. Trong đó giáo viên sẽ phân chia thời gian để học sinh tham gia các hoạt động: thiết lập vấn đề; tìm kiếm các giải pháp hay cách thức để giải quyết vấn đề; thu thập thông tin, bằng chứng và cuối cùng là tổng kết, rút ra các kiến thức.
– Chi phí cho việc dạy học theo phương pháp STEM sẽ cần sự kết hợp giữa gia đình và nhà trường qua cơ chế xã hội hóa.
Giáo dục định hướng STEM có thể áp dụng từ trẻ nhỏ cho đến học sinh cấp 3 với nhiều mức độ:
+ Bậc tiểu học: Giúp trẻ làm quen và tạo hứng khởi với STEM. Qua đó trẻ có những tư duy và lối tiếp cận sáng tạo với những sự vật xung quanh, những hiện tượng trong đời sống sinh hoạt. Làm cho trẻ thấy những điều kỳ diệu trong cuộc sống và ham thích khám phá.
+ Bậc trung học cơ sở: các khoa học sẽ có chủ đề rõ ràng và thử thách hơn. Trẻ sẽ có nhận thức hơn về những ứng dụng của STEM trong thực tế cuộc sống, từ đó hình thành dần khái niệm về nghề nghiệp trong tương lai của trẻ.
+ Bậc trung học phổ thông: Trẻ có thể giải quyết được các bài toán STEM với cấp độ thách thức cao hơn nhờ những kỹ năng và kiến thức có sẵn. Dần dần trẻ sẽ hình thành con đường đi cho mình trong tương lai.
Làm thế nào để tạo niềm yêu thích STEM cho trẻ
Cho trẻ gần gũi với thiên nhiên:
Môi trường tự nhiên xung quanh cho trẻ cảm giác kỳ diệu muốn khám phá thế giới thiên nhiên, cỏ cây hoa lá. Hòa mình trong thiên nhiên trẻ vẫn có thể tham gia vào các hoạt động STEM bằng cách thu thập mẫu động thực vật, cây cỏ … hoặc bất cứ những gì trẻ thấy thích, sau đó kiểm đếm, tra cứu tài liệu rồi đưa ra giả thuyết, giải thích cho những gì trẻ nghĩ. Sau đó trẻ có thể cùng nhau thảo luận xem sự đúng sai như thế nào và đúc rút ra đáp án đúng.
Giáo viên có thể hỗ trợ trẻ bằng các câu hỏi gợi mở, giúp trẻ có thể tự tin trả lời. Từ đó, kích thích trí tò mò, óc tư duy sáng tạo của bé. Các câu hỏi như: “Cái gì tạo ra điều này?”, “Chúng đang làm gì?”, “ Em rút ra điều gì từ đó?”..vv..
Đưa dạy học theo phương pháp STEM thành một bộ phận của cuộc sống
Chúng ta cũng có thể đưa STEM vào trong cuộc sống hằng ngày. Từ các vật dụng gia đình, lúc đi mua sắm, chi tiêu, lúc làm bếp (Quan sát thực phẩm, thức ăn, tôm cá..). Khơi dậy hứng thú tìm hiều của trẻ.
Quan tâm đến sở thích của trẻ
Dựa trên sở thích của trẻ để định hướng cho trẻ vào các hoạt động STEM, chẳng hạn như về nhà bếp, xe cộ, robot, bóng đá, bóng chuyền..vv..
Hướng dẫn và thực hành cùng trẻ
Thực hành thật nhiều cùng trẻ sẽ tạo cho trẻ hứng thú bất tận với những sự khám phá và những điều mới mẻ.
Đơn vị cung cấp thiết bị và giáo án đúng chuẩn
Các đơn vị cung cấp trang thiết bị cho dạy học theo STEM phải là những đơn vị chuyên sâu và có kinh nghiệm trong lĩnh vực giáo dục nói chung và mảng trang thiết bị STEM nói riêng. Nếu là nhà sản xuất thì phải có đầy đủ các chứng chỉ cũng như cơ sở hạ tầng hiện đại đáp ứng chất lượng sản phẩm. Để biết thêm thông tin, hãy liên hệ ngay với công ty Biển Đông theo sdt: 0903339636 hoặc email về info@esea.vn